Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý có tỉ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới. Trong đó, các nước đang phát triển là khu vực có tỉ lệ dân số bị tăng huyết áp tương đối cao. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do chế độ sinh hoạt và thói quen ăn uống, đặc biệt những người dân nơi đây rất yêu thích đồ ăn mặn, ngọt. Vậy đường và muối có ảnh hưởng như thế nào tới huyết áp? Các bạn hãy cùng BingoFood tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Thế nào là tăng huyết áp?
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực trong lòng mạch tăng cao. Với các chỉ số huyết áp đo được ở người trưởng thành là huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.
Một số biểu hiện có thể xảy ra khi bị tăng huyết áp: Người bệnh cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, đau đầu… Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bệnh bị tăng huyết áp nhưng lại không có bất kỳ triệu chứng hay biểu hiện nào, mà chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đo huyết áp.
Khi tình trạng huyết áp tăng cao mà không được điều trị kịp thời, nó có thể gây tổn thương các cơ quan đích như: tim, não, gan, thận. Ngoài ra, huyết áp tăng cao còn có thể gây hậu quả nặng nề khiến người bệnh bị suy tim, suy gan, suy thận, bị tai biến mạch máu não. Trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.
Người bị tăng huyết áp nên sử dụng lượng muối và đường như thế nào?
Lượng muối phù hợp cho người bệnh tăng huyết áp
Thành phần chính của muối ăn là NaCL, vì vậy khi chúng ta ăn nhiều muối sẽ khiến lượng Na trong cơ thể tăng cao. Trong khi đó, Ion Na+ khiến nồng độ thẩm thấu của tế bào tăng, từ đó làm tích nước trong cơ thể, trương lực thành mạch cũng tăng gây ra co mạch. Tình trạng này còn làm tăng sức cản ngoại vi, nếu để lâu sẽ dẫn tới tăng huyết áp.
Theo khuyến cáo của viện dinh dưỡng quốc gia thì mức tiêu thụ muối ăn ở mỗi người không nên dùng quá 5g/ngày. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra ở nước ta, lượng muối tiêu thụ trung bình mỗi người lên đến 9,4g/ngày. Chính chế độ ăn thừa muối này sẽ trở thành yếu tố nguy cơ cao làm tăng huyết áp và một số bệnh lý khác liên quan tới tim mạch.
Vì vậy, trong chương trình điều trị tăng huyết áp, một trong những bước tiếp cận đầu tiên để điều trị bệnh đó là người bệnh hạn chế ăn mặn. Song một số nghiên cứu đã cho thấy việc hạn chế ăn mặn trong điều trị tăng huyết áp vẫn chưa đem lại hiệu quả cao.
Nguời bị tăng huyết áp nên ăn bao nhiêu đường là đủ?
Trong các loại thức ăn chế biến sẵn có chứa rất nhiều natri và lượng carbohydrates đã được tinh chế.Đây là các loại đường đơn ảnh hưởng nghiêm trọng tới bệnh lý tăng huyết áp. Ngoài ra, đường đơn còn làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch thông qua nhiều cơ chế khác nhau.
Thông thường, chúng ta thường sử dụng đường mía, loại này được tạo thành từ glucose và fructose. Đường mía cũng là thành phần chủ yếu trong các loại thực phẩm công nghiệp chế biến sẵn, tuy nhiên độ ngọt của nó không bằng các loại đường khác.
Trong các loại nước uống trái cây đóng hộp và sodas có chứa lượng đường được sử dụng chủ yếu là siro với tỉ lệ đường fructose cao, khoảng 55% fructose và 45% glucose nên thường có vị ngọt hơn.
Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiều đường fructose nó có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe như: Làm tăng hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, tăng nhịp tim, tăng cung lượng tim, tăng tình trạng giữ Na ở thận và làm co mạch... Các yếu tố này sẽ khiến huyết áp tăng, đồng thời tăng nhu cầu oxy của cơ tim.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi cơ thể tiêu hóa khoảng 750ml đồ uống có ga sẽ khiến huyết áp tâm thu có thể tăng thêm 15mmHg, huyết áp tâm trương tăng 9 mmHg và nhịp tim sẽ lên khoảng 9 nhịp/phút.
Các nghiên cứu cũng đã đưa ra kết luận khi lượng đường được nạp vào cơ thể sẽ có nguy cơ gây tăng huyết áp cao hơn sử dụng muối. Do vậy, sử dụng lượng đường có vai trò rất quan trọng trong chế độ ăn của người bệnh huyết áp cao.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, những người hấp thu > 25% calories từ đường sẽ có nguy cơ tử vong cao bởi các bệnh lý liên quan tới tim mạch. Tuy nhiên, nếu hấp thu đường (bao gồm cả đường fructose) có trong các loại thực phẩm tự nhiên như trái cây lại rất tốt cho sức khỏe. Do vậy, hạn chế nạp vào cơ thể lượng đường từ thực phẩm sẽ là cách tốt giúp bảo vệ sức khỏe khỏi tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch.
Tham khảo chế độ ăn uống khoa học dành cho người tăng huyết áp
- Điều đầu tiên trong chế độ ăn của người bệnh cao huyết áp là không nên sử dụng nhiều các loại thức ăn chế biến sẵn, bởi vì đây là thực phẩm chứa rất nhiều muối và đường.
- Không nên ăn các loại đồ ăn nhanh, bánh ngọt, đường fructose, đường mía…
- Cần hạn chế ăn các món chiên rán dầu mỡ vì nó chứa nhiều chất béo bão hòa, đây cũng là yếu tố nguy cơ làm huyết áp tăng.
- Hạn chế tiêu thụ muối trong các bữa ăn hàng ngày.
- Không nên ăn các loại thực phẩm đóng hộp.
- Không ăn thức ăn lên men sẵn như dưa muối, cà muối...
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, ….
- Không hút thuốc lá.
Cùng với chế độ ăn uống khoa học, người bệnh cao huyết áp cần có chế độ luyện tập thể dục hợp lý để nâng cao sức khỏe, đồng thời giúp hạn chế bệnh tật.