Khi em bé còn ở trong bụng mẹ thì chế độ dinh dưỡng của người mẹ cũng là nguồn cung cấp dưỡng chất để em bé phát triển. Nếu người mẹ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng thì em bé sẽ phát triển tốt và khỏe mạnh. Ngược lại, nếu người mẹ trong thai kỳ không ăn uống đầy đủ, khoa học, phù hợp với thời kỳ mang thai thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi, thậm chí bị suy dinh dưỡng bào thai, khiến em bé sinh ra bị nhẹ cân và gặp nhiều vấn đề không mong muốn khác.
Vì vậy, chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai là vô cùng quan trọng. Nhiều chị em vì lo bị tăng cân khi chửa đẻ nên cố tình ăn ít, ăn kiêng để giữ gìn vóc dáng trong giai đoạn này là hoàn toàn sai lầm. Mẹ bầu hãy nhớ rằng chế độ ăn uống đảm bảo dưỡng chất là vì con sinh ra được khỏe mạnh; còn việc giữ dáng các mẹ có thể thực hiện sau khi sinh nở.
Để đảm bảo mẹ bầu có một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thai nhi, chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu cũng được chia thành 3 giai đoạn là 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.
3 tháng giữa thai kỳ là thời gian thai nhi phát triển mạnh nhất về xương, quyết định chiều cao của em bé sau này. Giai đoạn này mẹ bầu cũng đã hết thời gian ốm nghén nên có thể ăn uống dễ dàng hơn, do đó, mẹ bầu cần chú ý bổ sung vào thực đơn hàng ngày những thực phẩm nhiều năng lượng, nhất là các dưỡng chất cần thiết, tốt cho xương như can xi, kẽm…
Cụ thể, trong tháng thứ 4 của thai kỳ (tức là tháng đầu tiên bước vào giai đoạn giữa thai kỳ), mẹ bầu cần tăng khẩu phần ăn hàng ngày lên ít nhất 2.500 calo/1 ngày để đảm bảo chất dinh dưỡng giúp thai nhi phát triển về chiều cao, cân nặng và hoàn thiện các cơ quan, bộ phận cơ thể.
Trong tháng này, mẹ bầu nên ăn nhiều thịt gà, thịt bò; các loại rau có màu xanh đậm có chứa nhiều chất sắt, kẽm, can xi như: ớt chuông xanh, súp lơ xanh, các loại rau cải, rau ngót, các loại đậu… Đồng thời, các loại trái cây tươi bổ sung vitamin C để tăng cường trao đổi chất và giúp hấp thu dưỡng chất luôn rất cần thiết. Vitamin C có nhiều trong bưởi, cam, quýt, chanh, dưa hấu…
Trong tháng thứ 5 của thai kỳ là giai đoạn thai nhi phát triển não bộ và hoàn thiện các bộ phận quan trọng vùng đầu, mặt nên mẹ bầu cần bổ sung các thực phẩm giàu DHA giúp phát triển các nơ-ron thần kinh để em bé thông minh. DHA có nhiều trong các loại cá, trứng, các loại đậu và sữa. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng lưu ý không cần ăn nhiều thịt, hạn chế đường và giảm muối trong tháng này.
Trong tháng thứ 6 của thai kỳ, thực đơn của mẹ bầu nên gồm các thực phẩm giàu chất sắt và can xi, các loại vitamin và khoáng chất để thai nhi phát triển hệ cơ, xương; tránh bị còi xương hoặc yếu răng lợi sau này.
Các thực phẩm mẹ bầu nên ăn nhiều trong tháng này là trứng, thịt bò, thịt nạc, thịt gà, các loại đậu, khoai tây, rau xanh, trái cây tươi…; chú ý uống nhiều nước để tăng cường trao đổi chất, thải độc cơ thể; hạn chế táo bón. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên hạn chế đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, không ăn mặn, không ăn các thực phẩm chế biến sẵn.
Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp dưỡng chất cần thiết cho mẹ và bé trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu có thể uống thêm viên sắt, uống vitamin theo chỉ định của bác sỹ.