Chứng đầy bụng khó tiêu gây khó chịu và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đây là bệnh lý lành tính, mặc dù nó không nguy hiểm nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý liên quan tới tiêu hóa. Do vậy, cần xác định nguyên nhân để có cách xử lý, tránh tình trạng đầy bụng khó tiêu kéo dài.
Chứng đầy bụng khó tiêu và nguyên nhân gây ra đầy bụng khó tiêu
Đầy bụng khó tiêu là gì?
Đầy bụng khó tiêu xảy ra khi đường tiêu hóa gặp bất thường, nguyên nhân có thể do thói quen ăn uống thiếu lành mạnh hoặc do mắc một số bệnh lý tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng...
- Dấu hiệu nhận biết đầy bụng khó tiêu: Người bệnh có thể bị đầy bụng khó tiêu đơn thuần hoặc kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn ói,...
Những nguyên nhân gây ra chứng đầy bụng khó tiêu
- Do thói quen ăn uống thiếu khoa học: Chế độ ăn uống có quá nhiều chất đạm, đường, bột và dầu mỡ,… thường xuyên ăn đồ cay nóng. Do sử dụng các chất kích thích như uống rượu bia, café… Thói quen ăn gấp, ăn nhanh, không nhai kỹ…
- Trường hợp bị rối loạn tiêu hóa: Do mắc chứng táo bón, cổ trướng hoặc bị ứng thực phẩm.
- Hệ vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức
- Do mắc một số bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, tắc ruột, ung thư đại tràng...
- Do sử dụng thuốc: Trường hợp dùng thuốc kháng sinh không theo chỉ định sẽ làm suy giảm hệ khuẩn có lợi, vi khuẩn có hại lại phát triển quá mức gây ra đầy bụng khó tiêu.
Cách xử lý khi thường xuyên bị đầy bụng khó tiêu
Nếu bị đầy bụng khó tiêu do bệnh lý cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần thực hiện một số biện pháp để phòng tránh và cải thiện chức năng hệ tiêu hóa.
- Bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày: Chất xơ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, nhất là việc giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru. Mỗi ngày cơ thể người bình thường sẽ cần khoảng 20-30 gram chất xơ. Có thể bổ sung chất xơ từ các nguồn thực phẩm như rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt...Ngoài ra cần uống đủ nước, bổ sung chất khoáng, vitamin để phòng ngừa táo bón. Khi cơ thể được bổ sung đầy đủ chất xơ sẽ có tác dụng hạn chế tình trạng đầy bụng khó tiêu, đồng thời ngăn ngừa các bệnh lýnhư đái tháo đường, bệnh tim mạch, trĩ, ung thư trực tràng...
- Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ và không ăn quá no: Thói quen ăn chậm, nhai kỹ sẽ giảm tải cho cơ quan tiêu hóa. Động tác nhai kỹ sẽ giúp nghiền nát thức ăn và tạo tín hiệu cho tuyến nước bọt, dạ dày cùng đường ruột bài tiết dịch tiêu hóa.
- Thay đổi lối sống khoa học và tăng cường tập thể dục: Thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh và tăng cường tập thể dục mỗi ngày sẽ có tác dụng nâng cao sức khỏe và cải thiện khả năng hoạt động của hệ tiêu hóa. Một số nghiên cứu đã chứng minh, lười vận động có thể gây béo phì và trở thành yếu tố nguy cơ gây đau dạ dày và tiêu chảy. Ngoài ra, căng thẳng, stress quá mức cũng gây ảnh hưởng lớn tới chức năng cơ quan tiêu hóa, đặc biệt gây ra chứng đầy bụng khó tiêu.
- Không sử dụng quá nhiều các thuốc kháng axit: Nếu trong dạ dày tiết ra axit dư thừa sẽ gây chứng trào ngược dạ dày thực quản. Vì thế, khi sử dụng thuốc điều trị nếu lạm dụng các thuốc antacid sẽ tác động xấu đến dạ dày, gây đầy bụng khó tiêu.
- Bổ sung men tiêu hóa cho cơ thể: Bổ sung men tiêu hóa có nguồn gốc từ thảo dược cũng là cách để cải thiện và tăng cường hấp thụ các chất dinh dưỡng, hỗ trợ tăng cường chức năng tiêu hóa của cơ thể.
Cách trị chứng đầy bụng khó tiêu theo dân gian
Khi đã xác định được nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu không phải do bệnh lý, chúng ta có thể áp dụng một số mẹo dân gian sau để giúp cơ thể dễ chịu hơn:
- Sử dụng củ tỏi: Bóc vỏ khoảng 30g củ tỏi rồi giã nát và trộn đều với 5g đường phèn hoặc đường kính, sau đó hòa với 60ml nước ấm và chia thành 2 lần uống trong ngày.
- Uống nước quế: Lấy nửa thìa cà phê bột quế đun sôi với khoảng 250ml nước sạch, sau đó gạn lấy nước uống sau mỗi bữa ăn. Hoặc có thể pha nửa thìa cà phê bột quế vào sữa ấm và uống.
- Uống nước gừng: Uống nước ấm bỏ vào vài lát gừng, cũng có thể đập dập gừng pha với nước ấm thêm chút mật ong hoặc uống trà gừng nóng ngay sau khi ăn.
- Uống trà hoa cúc: Một ly trà hoa cúc thơm ngon sẽ giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng tiêu hóa rất hiệu quả.
- Sử dụng rượu táo mèo: Uống 1 – 2 ly rượu táo mèo trong bữa ăn sẽ có tác dụng hỗ trợ kiểm soát mỡ máu, kháng khuẩn, trị chứng kiết lỵ… đặc biệt có thể giảm đáng kể dấu hiệu đầy bụng khó tiêu.
- Uống nước lá ổi: Sử dụng 7 – 10 lá ổi non, rửa sạch và ngâm nước muối loãng sau đó xay nhuyễn với 1 ly nước rồi lọc, có thể cho thêm chút mật ong rồi uống sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đầy bụng khó tiêu khá hiệu quả.
- Ăn cháo tía tô: Ăn cháo tía tô khi còn nóng vào mỗi buổi sáng sẽ có tác dụng cải thiện tình trạng đầy bụng, ăn khó tiêu một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ngoài ra, còn có thể sử dụng một số loại thảo dược khác như: Bạc hà nhai trực tiếp hoặc giã lấy nước uống; Cần tây xào hoặ nấu canh; Uống nước chanh; Ăn đu đủ; Hạt tiêu pha cùng đường và sữa chua rồi uống.